Thời kỳ đích thân chấp chính (1562-1605) Akbar_Đại_đế

Đối ngoại

Những cuộc chinh phạt

Lãnh thổ Đế quốc Mogul dưới sự thống trị của Akbar.

Một bậc đế vương luôn phải dành thời gian chinh phạt các vùng đất xung quanh mình, nếu không các nước lân bang sẽ nhanh chóng lớn mạnh và tiêu diệt mình.

— Akbar Đại đế[15]

Nói thì phải làm, ông đã thực hiện lời nói ấy bằng các cuộc chinh phạt khắp Đông Tây Nam Bắc. Bản thân Akbar cũng là một nhà quân sự mưu lược và tài ba. Ông đã nhiều lần cầm quân đánh bại các kẻ thù cũng như đánh dẹp các cuộc bạo loạn. Đặc biệt có một trận đánh, nhà vua chỉ dùng 8000 quân nhưng đã đánh tan 2 vạn quân bạo loạn của các lãnh chúa Ấn Độ.[15]

Các cuộc chinh phạt đầu tiên là nhằm vào tộc người Rajput sống ở khu vực xung quanh Delhi. Họ là con cháu của tộc người Hung Nô định cư ở miền Bắc Ấn Độ, theo tín ngưỡng Ấn giáo và rất hung hăng, thiện chiến. Akbar lợi dụng tình trạng họ vẫn còn là các bộ lạc nhỏ lẻ rời rạc, đã tiến công xâm chiếm từng khu vực một và đã giành được nhiều thắng lợi. Nhưng trước sức mạnh của đế quốc Mogul, người Rajput không hề sợ hãi mà vẫn chiến đấu hết sức anh dũng và ngoan cường, họ thà bị giết chết chứ không chịu đầu hàng. Hơn nữa, Akbar thật sự rất ấn tượng khi chứng kiến sự dũng cảm, khỏe mạnh và thiện chiến của các chiến binh Rajput. Vì vậy ông quyết định chuyển sang biện pháp đàm phán, vừa đánh vừa xoa để thu phục và sử dụng các chiến binh Rajput. Kết quả đạt được rất to lớn: phần lớn các tù trưởng Rajput đều quy phục Akbar và trở thành các trưởng quan quân sự của nhà Mogul, đồng thời 1/3 số quân cận vệ của vua nhà Mogul chính là người Rajput.[15] Tất nhiên, đổi lại Akbar cũng đã nhượng bộ khá nhiều, chủ yếu là cho người Raijput được hưởng các quyền tự trị về văn hóa và được bảo tồn các luật tục, tôn giáo lâu đời của mình.

Sau đó, các năm 1570 - 1571, Akbar lại xâm chiếm bang Gujarat ở duyên hải tây Ấn Độ, nhờ đó mà ông giành được hai hải cảng quan trọng của vùng này. Năm 1573-1574, ông lại xâm chiếm Bengal, khiến chiếc vòi của đế quốc vươn tới tận Miến Điện. Năm 1581, Akbar thân chinh Kabul và đoạt lại nó từ tay hai anh em cùng mẹ khác cha đang cai trị ở đây. Sau đó, Akbar tiến lên phía bắc cướp lấy vùng Kashmir (1586), rồi vươn về phía Tây uy hiếp cả đế quốc Ba Tư. Cuối cùng, ông tiến về phía nam xâm nhập cao nguyên Deccan và sau 10 năm vừa chinh phạt vừa dùng biện pháp thu phục bằng ngoại giao, năm 1601, Akbar đã sáp nhập vùng Khandesh thuộc lưu vực sông Krishna vào lãnh thổ đế quốc.[15] Đây là một trong những cuộc chinh phạt cuối cùng của ông.

Những thành công về quân sự đã khiến Akbar rất tự hào. Mỗi khi chinh phạt thành công một vùng đất nào đó, nhà vua thường buột miệng nói:

Ta đã đến vùng đất này rồi thì nó nhất định phải thuộc về ta, nhất định phải như thế!

— Akbar Đại đế[15]

Quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ

Akbar từng đưa một đoàn hành hương với sự tham gia của rất nhiều phi tần trong hậu cung của đế quốc tới thánh địa Mecca, lúc này đang nằm dưới ảnh hưởng của đế quốc Ottoman. Đoàn hành hương xuất phát từ thành phố cảng Surat năm 1576 và năm sau thì tới được Mecca. Từ năm 1577 tới năm 1580 có thêm 4 đoàn hành hương nữa tới Mecca cùng với rất nhiều quà tặng dành cho những quan chức địa phương cùng rất nhiều hoạt động từ thiện, chẩn tế được tổ chức ở đây. Tuy nhiên trong đoàn hành hương đa số là người nghèo khổ và việc họ lưu lại Mecca quá lâu đã làm hao tốn rất nhiều ngân khố của địa phương[17]. Vì vậy chính quyền Thổ tại đây đã đề nghị đoàn hành hương quay về Mogul nhưng họ vấp phải sự phản đối của các phi tần trong hậu cung của Mogul, vì các cô mong muốn được lưu lại khu vực Hejaz thêm một thời gian nữa. Phía Thổ kiên quyết không nhượng bộ và rốt cục đoàn người phải quay về Mogul. Tệ hại hơn, trên đường về các phi tần và những phụ nữ quý tộc trong đoàn còn chịu sự sỉ nhục nhà cầm quyền ở Aden.[cần dẫn nguồn]

Việc này dẫn đến kết quả là Akbar cắt tất cả các chuyến hành hương cũng như quà cáp tới Mecca[18] và quan hệ giữa đế quốc Thổ với đế quốc Mogul bắt đầu xấu đi. Tức giận với thái độ của nhà cầm quyền địa phương và của ông chủ hậu trường là Thổ Nhĩ Kỳ, Akbar bắt đầu tự xem mình là khalip của thế giới Hồi giáo thuộc hệ phái Sunni và bắt đầu tranh giành ảnh hưởng với người Thổ Ottoman. Tháng 9 năm 1579, những học giả Hồi giáo (ulema) của triều đình Akbar ký một Mahzar quy định:

  • Akbar là một khalip của thế giới Hồi giáo.
  • Danh hiệu khalip của Akbar cao hơn danh hiệu Mujtahid.
  • Khi các mujtahid bất đồng ý kiến với nhau thì Akbar là người ra quyết định cuối cùng.
  • Akbar có quyền ra các chiếu chỉ miễn là không trái với luật nass.

Năm 1579, Akbar ra một quyết định gây sửng sốt giới Hồi giáo: thay người thuyết giáo hiện tại bằng một tăng lữ Hồi giáo thường đọc thơ của Faizi cho Akbar nghe. Đồng thời ông cũng tuyên bố rằng mình hoàn toàn mất lòng tin vào giới tăng lữ ở Mecca[19]. Và sau đó, từ năm 1584 Akbar tấn công các cảng biển của Thổ Nhĩ Kỳ tại Yemen dưới sự giúp đỡ của Bồ Đào Nha.[cần dẫn nguồn] Để minh chứng cho liên minh này, Akbar sai một sứ thần đến công tác ở Goa vào tháng 10 năm 1584. Tuy nhiên năm 1587 người Thổ Ottoman đã đập tan một cuộc tấn công của hạm đội Bồ Đào Nha vào Yemen và Habash, bắt sống chỉ huy hạm đội Dokondo Pirino. Thất bại này kéo theo sự tan rã của liên minh Mogul - Bồ Đào Nha[20].

Đối nội

Cảnh triều đình Akbar trong sách Akbarnama

Để ngăn chặn việc quan tể tướng lộng quyền như thời Bairam Khan, Akbar đã gia giảm rất nhiều quyền hạn của chức vụ này, ngoài ra ông còn đặt thêm bốn chức quan khác phía dưới để hạn chế quyền lực của tể tướng[15]. Akbar phân chia đất nước thành 18 tỉnh, mỗi tỉnh do một nhà quý tộc đứng đầu. Để hạn chế sự cát cứ phân quyền của các quý tộc địa phương, Akbar quy định sau khi một nhà quý tộc qua đời, nhà vua sẽ tịch thu toàn bộ gia sản của ông ta để chia cho những người con mà nhà quý tộc thương yêu. Tất nhiên việc này đạt được hiệu quả đáng kể, nhưng nó đã tạo ra thói quen tiêu pha phung phí của các nhà quý tộc, mục đích là để không tích lũy nhiều của cải.[15]

Về quân sự, Akbar không chủ trương duy trì một đạo quân thường trực đông đảo để tiết kiệm chi phí (quân đội thường trực của Akbar nhiều nhất chỉ có 4 vạn người). Thay vào đó, đế quốc sẽ trưng tập thêm binh lính vào những lúc cần thiết, việc trưng tập này giao cho các quan lại và quý tộc địa phương. Nếu tính tông cộng số quân trưng tập được thì quân số của đế quốc có thể lên tới 30 vạn.[15] Akbar cũng giao cho ba người con của mình giữ chức sĩ quan chỉ huy ba đạo quân lớn nhất nước với quân số lần lượt là 1 vạn, 8000 và 7000 người. Nhìn chung thì các sĩ quan quân đội được hưởng lương bổng khá hậu: 1 sĩ quan chỉ huy 100 người đã nhận mức lương tháng hơn 1000 rouble trong khi thu nhập hàng năm của 1 người nông dân chỉ là 300 rouble. Hơn nữa, theo tập quán những người lập được các chiến công đặc biệt sẽ được vua ban phát lãnh địa; nhưng bản thân Akbar chỉ muốn các sĩ quan được hưởng lương cao chứ không muốn ban phát lãnh địa cho họ, dù ông vẫn làm theo tập tục của người Mogul.[15]

Akbar cũng khuyến khích nghệ thuật phát triển và khôi phục kinh tế. Những cải cách về thuế và về ruộng đất của ông được đánh giá là thành công và khiến nền kinh tế của đế quốc Mogul nở rộ suốt một thời gian dài. Ông cho tiến hành đo đạc lại điền thổ trên toàn quốc và đặc biệt bãi bỏ lối đo đạc ruộng đất bằng sợi dây thắt nút mà dùng một cây thước làm bằng thân tre suôn thẳng vì sợi dây có thể co giãn và dẫn đến sự không chính xác cũng như tranh chấp kiện tụng[15]. Ngoài việc đo lại ruộng đất, Akbar cũng yêu cầu phải điều tra kỹ lưỡng về độ màu mỡ, nguồn cung cấp nước tưới, xem xét giá cả của các nông sản thịnh hành trong vùng, … rồi từ đó mà định mức thuế. Đây là một cải cách lớn trong hệ thống thuế vì các mức thuế trong hệ thống thuế nông nghiệp cũ đều được quy định dựa vào sản phẩm làm ra chứ không phải dựa vào chất lượng ruộng đất. Điều này khiến cho việc đầu tư vào nông nghiệp cũng như năng suất gia tăng đáng kể.

Theo Thập đại Tùng thư: 10 đại hoàng đế thế giới, Akbar kế thừa một biện pháp của Sher Shah Suri - kẻ thù của vua cha Humayun, quy định người nông dân phải nộp 1/3 số nông sản thu hoạch được cho nhà nước. Thuế này có thể được nộp bằng tiền hay hiện vật, về sau Akbar quy định phải nộp bằng tiền nhằm kích thích buôn bán trong nước. Tuy nhiên chính vì vậy mà sau mùa thu hoạch, người dân lại đổ xô đem bán nông sản để có tiền nộp thuế, hậu quả là vào thời điểm đó giá nông sản sút thảm hại và người dân không thu được bao nhiêu tiền. Hơn nữa, bên cạnh thuế 1/3 người nông dân còn phải nộp một số thứ thuế khác và đóng phí cho những người đo đạc ruộng đất, cho nhân viên thu thuế,… và kết quả là hàng năm họ phải gánh một số thuế tương đối nặng. Vì vậy, Akbar đã nhiều lần miễn giảm thuế cho dân chúng, đời sống người dân cũng nhờ đó mà đỡ chật vật.[15][21]

Dời đô về Fatehpur Sikri

Xem thêm: Fatehpur Sikri

Akbar chê kinh đô Dehli nằm quá xa về phía bắc[15] nên ông đã dời cung đình xuống phía Nam, đầu tiên là Agra; sau đó đến năm 1571 ông định đô ở Fatehpur Sikri (Fatehpur có nghĩa là thành phố chiến thắng), một khu vực ngoại ô của Agra. Thế là từ một vùng đất hoang vu còn nhiều dã thú, Fatephur Sikri đã nhanh chóng biến thành một thành phố tráng lệ với nhũng cung điện, hồ nước nhân tạo, đài phun nước,… hết sức lộng lẫy. Tuy nhiên năm 1585 Akbar lại thiên đô đến Lahore ở vùng Tây Bắc. Có nhiều giả thuyết được đặt ra, có thể là nguồn nước cung cấp cho Fatehpur Sikri không đủ chất lượng, hoặc do lúc đó Akbar đang phải hướng sự chú ý của mình đến các khu vực Tây Bắc và ông dời đô lên Lahore. Cuối cùng vào năm 1599 cung đình Mogul lại quay về Agra và Akbar định cư ở đó cho đến khi qua đời.

Dung hòa tôn giáo và văn hóa

Một điểm đáng chú ý là những bạn bè, học giả thân cận với Akbar có nhiều đức tin và tôn giáo khác nhau. Việc này khiến Akbar có được một sự hiểu biết sâu sắc về các tôn giáo này, và sớm nhận ra rằng "các tôn giáo đều có phần xán lạn, trong phần xán lạn đó vẫn có ít nhiều bóng tối". Vì vậy, Akbar nhanh chóng hiểu rõ sự kình địch giữa các tôn giáo, nhất là Hồi giáoẤn Độ giáo sẽ gây ra thảm họa, nên ông đã thực thi nhiều biện pháp để dung hòa mâu thuẫn giữa các tôn giáo này với nhau. Ví dụ ông đã kết hôn với Jodhaa, một công chúa thuộc bộ lạc Rajput theo Ấn Độ giáo. Trong việc cắt đặt quan chức ông luôn bổ nhiệm sao cho những người có tôn giáo khác nhau làm việc chung với nhau. Đặc biệt, Akbar đã dũng cảm bãi bỏ các thứ thuế đánh lên những người không phải theo đạo Hồi và cho phép những người bị ép theo đạo Hồi được quay về với tôn giáo trước kia của họ, mặc dù biết rằng những hành động này sẽ khiến nhà nước thất thu một khoản tiền to (lên tới 180 vạn rouble hàng năm) và bản thân Akbar sẽ phải gánh chịu những hậu quả lớn về chính trị.[15] Nhưng việc làm đó đã tạo dựng được một sự ủng hộ rộng rãi trong các tầng lớp nhân dân, nhất là những người theo Ấn Độ giáo. Tất nhiên, những việc làm của ông cũng khiến một bộ phận quý tộc Hồi giáo bất mãn, họ đã nhiều lần nổi dậy chống lại triều đình. Để đối phó, Akbar lại dựa vào sự giúp đỡ của các lãnh chúa phong kiến Ấn giáo.

Về sau Akbar xây dựng một trường học lớn và bố trí một hội trường để những học giả thuộc các tôn giáo khác nhau đến tranh luận. Thành phần tôn giáo của các học giả phải nói là rất đa dạng, có người Hồi giáo, Ấn giáo, có người theo Hỏa giáo, đạo Cơ Đốc, thậm chí là Tân giáoDo Thái giáo. Thỉnh thoảng, Akbar cũng đến nghe các cuộc tranh luận này và ông đã học được nhiều tri thức bổ ích ở đó.[15]

Tiến xa hơn, cố gắng tạo ra một tôn giáo kết hợp mọi đức tin, gọi là Tôn giáo Thánh Thần. Tôn giáo này lập Akbar là Giáo chủ và xem ông như bậc Tiên tri, các tín đồ khi gặp nhau phải nói to tên của Akbar để chào hỏi. Tôn giáo Thánh Thần không lập đền thờ, không có cầu phước, không có cúng tế mà chỉ khuyến khích các tín đồ chăm làm việc thiện, bố thí, chẩn tế,… Akbar không bắt ép người dân theo tôn giáo mới này nên số tín đồ Thánh Thần cũng không đông, với lại số lượng tín đồ các tôn giáo khác chống đối tôn giáo Thánh Thần cũng không phải ít.[15] Có điều Akbar không lấy làm lo, vì ông chỉ đơn giản xem đạo Thánh Thần của mình như là một biện pháp nhằm dung hòa các mâu thuẫn tôn giáo ở Ấn Độ. Sau khi Akbar qua đời, tôn giáo này nhanh chóng tan rã.

Ngoài ra, nhà vua còn quyết tâm bãi bỏ các hủ tục lạc hậu trong xã hội Ấn Độ. Ví dụ, tin vào các truyền thống và luật tục Hồi giáo, ông đã cấm việc bắt quả phụ nhảy vào lửa chết theo chồng, và đã đích thân cứu vợ của Tổng đốc Bengal khỏi phải nhảy vào lửa[15]. Về sau, Akbar còn cấm các tục tảo hôn và tục giết hài nhi nữ trong dân gian, nhưng do sức mạnh của tập quán lâu dài, trong nhất thời các hủ tục ấy chưa thể dẹp hẳn được.

Tuy nhiên có nhiều sử gia cho rằng, thật ra đóng góp của Akbar trong việc dung hòa văn hóa không đáng kể như vậy. Lý lẽ của họ cho rằng, các chi tiết trên được lấy từ sách Akbarnama và Ain-i-akbari của Abul Fazal, một sử thần trong triều Akbar. Chính vì thế mà các công trạng của Akbar nhiều khi được phóng đại quá mức. Trong khi đó các tác phẩm của các sử gia như Badayuni, Shaikhzada Rashidi va Shaikh Ahmed Sirhindi không bị ảnh hưởng bởi sức ép của triều đình, vì vậy họ ít ca tụng Akbar hơn và các thông tin của họ có khả năng gần với sự thực hơn. Sử gia Vincent A. Smith kết luận:[22].

Những lời tâng bốc Akbar một cách thiếu suy nghĩ đã đem lại nhiều điều sáo rỗng vô nghĩa về cái mà người ta gọi là ước nguyện đem lại những điều tốt đẹp cho người dân ở các xứ sở bị ông ta xâm lược và thôn tính.

— Vincent Arthur Smith

Ngày 17 tháng 10 (có sách chép là 27 tháng 10) năm 1605, Akbar đột ngột qua đời, trong lúc sự nghiệp ông đang toàn thịnh.[15]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Akbar_Đại_đế http://www.boloji.com/history/022.htm http://www.bookrags.com/biography/jalal-ud-din-moh... http://www.encyclopedia.com/doc/1E1-Akbar.html http://www.golbook.com/Showdata_Index.asp?s10=3&ma... http://scholar.google.com/scholar?q=Ishwari%20Pras... http://www.panoramio.com/user/116638/tags/Akbar http://www.the-south-asian.com/Dec2000/Akbar.htm http://www.worldofbiography.com/9001-Akbar/ http://www.columbia.edu/itc/mealac/pritchett/00lit... http://wsu.edu/~dee/MUGHAL/AKBAR.HTM